Tel: 450 442-3292

E-mail:

[email protected]



Tác Giả



Ngọc Thủy


 




Nhạc Sĩ
Lê Mộng Bảo
Người Đã Ra Đi


Ngọc Thủy


Chiều tối ngày thứ Hai (Oct/08/2007), tôi đang trên đường từ Louisiana, nơi từng chịu cơn lũ lụt Katrina tàn phá gần tan hoang cách đây hai năm về trước, để về lại Houston. Đường về lúc ấy đang sũng ướt cơn mưa lớn trút xuống ào ào trên những hàng cây thưa ngập bóng tối ở hai bên vệ đường. Khoảng thời gian đó, tôi có người anh thân thiết trong giới văn nghệ vừa nhắm mắt lìa đời mà tôi chẳng hề hay biết. Chỉ thấy trước mắt là cảnh vật nhạt nhòa trong mưa, những cành cây ngả nghiêng trong gió và lòng bổng nhuốm chút buồn bâng khuâng như nghe bên tai tiếng thở dài của mấy chiếc lá bị bứt lay ra khỏi cành, đang rụng rơi chập choạng trong bóng tối đêm đen kia.

Về đến nhà anh chị Bền & Liễu, tôi gọi điện thoại thăm chị Ngọc Bích và Lệ Hằng thì được báo tin qua điện thoại, nhạc sĩ Lê Mộng Bảo vừa qua đời lúc bẩy giờ chiều hôm nay. Tôi bật khóc bởi vừa nghe tin là đã thấy hiện ngay trong đầu cái hình dáng còm cõi của anh Lê Mộng Bảo nằm cong queo, trùm chăn ngủ vùi với hơi thở mệt nhọc trong cơn sốt ốm khi tôi đến thăm vào tối thứ Tư tuần trước tại nhà của anh, tới lời hứa của mình là sẽ viết một bài tặng anh từ mấy tháng qua mà vẫn cứ hẹn lần chẳng chịu làm ngay. Ôi cái điệp khúc hối tiếc này đã lập đi lập lại rất nhiều lần trong đời sống chúng ta, thế mà vẫn cứ để sự bận rộn công việc che lấp, hoá thành sự thờ ơ, hờ hững đối với nhau trong lúc sống, để khi người thân quen ấy mất đi thì lại ăn năn, hối tiếc trong ngậm ngùi đau xót. Nhưng chúng ta còn có thể làm được điều gì hoặc tạo được niềm vui nào cho họ trong sự muôn màng nữa!

Nhạc sĩ Lê Mộng Bảo thực sự là một người nhạc sĩ lớn vì công lao đóng góp cho nền âm nhạc Việt của ông rất hữu ích và phong phú. Không những bằng nhiều nhạc phẩm sáng tác qua nhiều thể loại, trải dài theo ghềnh thác thời gian qua nhiều thập niên với các tên Lê Mộng Bảo & Hoa Linh Bảo, cùng một số bài viết nghiên cứu nghệ thuật và soạn các bài tân cổ hòa theo vọng cổ, tạo thành bài tân cổ giao duyên tình tự. Rồi ông còn tham gia nhiều địa hạt như ký giả, thể thao, nhiếp ảnh .v.v…Ngoài ra ông còn là người điều hành nhà sách & xuất bản Tinh Hoa Miền Nam, chuyên in ấn và phát hành băng, dĩa, nhạc Việt (sau bẩy năm cộng tác với nhà xuất bản Tinh Hoa ngoài Huế của ông Tăng Duyệt).

Thuở ấy, từ giữa thập niên 50, khi là Giám Đốc trông coi cơ sở, nhà sách Tinh Hoa Miền Nam tọa lạc tại số 51 Trần Hưng Đạo ở Sàigòn, ông năng nổ hoạt động để đẩy mạnh phong trào nhạc Việt đến các tầng lớp thính giả trong nước, những người yêu mến tân nhạc ở khắp nơi từ thành thị đến thôn quê được thưởng ngoạn từ những tập nhạc chon lọc do nhà xuất bản Tinh Hoa phát hành. Và ông cũng là một người rất tử tế, dễ chịu trong việc giúp đỡ các anh em nhạc sĩ sáng tác khác có nhiều cơ hội phát hành rộng rãi đến quần chúng những ca khúc cũ, mới của họ trong sự nhiệt tình, quý mến.

Nhắc đến người nhạc sĩ tài hoa và đôn hậu này, tôi nhớ rất rõ kỷ niệm buổi chiều ca nhạc chủ đề: 50 Năm Âm Nhạc Lê Mộng Bảo do một nhóm văn nghệ sĩ vùng Thung Lũng Hoa Vàng tổ chức tại hội trường Le Petit Trianon ở Downtown San Jose ngày 6/8/2000 mà tôi rất hân hạnh được mời đảm nhiệm phần MC, được giới thiệu và nói đến những quá trình đóng góp của người nhạc sĩ tài danh này.

Nhạc sĩ Lê Mộng Bảo sinh năm 1925 tại xứ Huế mộng mơ. Mang hai dòng máu Việt & Hoa, bản chất ông là người khiêm tốn, hiền lành và cũng là người nghệ sĩ tràn đầy sức sống cho tình yêu và nghệ thuật. Học xong bậc Trung Học, ông được thân phụ gởi ra Hà Nội để tiếp tục việc học. Nhờ sự giúp đỡ của ông bà Phạm Cao Củng, ông đã ổn định được nơi ăn chốn ở và học hành được tấn tới. Không những thế, ông còn có dịp quen biết và sinh hoạt chung với nhiều văn nhân, nghệ sĩ ở Hà Nội. Qua những giao tình thân thiết ấy, khoảng thời gian 1941-1943 ông được nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương (tác giả Đêm Đông) vả nhạc sĩ Đặng Thế Phong,(tác giả Con Thuyền Không Bến) hướng dẫn nhạc lý và vỹ cầm nên sau này ông xử dụng bộ môn này rất thành thạo. Từ đó, ông như cánh chim tung hoành trên bầu trời bao la của nền tân nhạc Việt Nam, đã cùng với nghệ sĩ Tô Kiều Ngân chủ trương giai phẩm Sóng Nhạc, tờ báo đầu tiên chuyên đề về âm nhạc VN, diễn đàn chung của giới ca, nhạc, kịch sĩ. Cộng tác với nhạc sĩ Song Ngọc trong chương trình Hoa Tình Thương thường được diễn trên Đài Truyền Hình Việt Nam và tại nhiều tiền đồn trên khắp bốn vùng chiến thuật. Cùng với nhạc sĩ Văn Giảng phụ trách lớp nhạc lý tại Viện Khoa Học Giáo Dục và cũng là sáng lập viên của Hội Nhạc Sĩ VN cùng với các nhạc sĩ Lê Thương, Phạm Duy, Xuân Phát, Nguyễn Hữu Ba.v.v… Ngoài ra ông còn viết một loạt bài biên khảo giá trị về “Lịch Trình Tiến Hóa Của Nền Tân Nhạc Việt Nam Qua Các Giai Đoạn”.

Bằng mối duyên văn nghệ, nhạc sĩ Lê Mộng Bảo bước chân vào lãnh vực sáng tác tân nhạc từ giữa thập niên 40 và tính đến tháng tư năm 1975, ông đã sang tác hơn năm mươi ca khúc và một số ca khúc thịnh hành thời trước như: Không Làm Nô Lệ, Tìm Lại Quê Hương, Dư Hương, Nguyện Cầu Cho Tuổi Hai Mươi, Tiếc Thương, Nửa Đêm Thức Giấc, Đàn Bướm Trắng, Ảo Ảnh Tình Yêu, Sao Không Về Thăm Em, Về Thăm Em, Giọng Hát Tìm Em, Lời Yêu Thành Phố, Nghèo, Bọt Bèo, Tình Chỉ Đẹp Khi Mùa Xuân Đến, Mùa Xuân Quê Hương, Mùa Ve sầu, Nếu Yêu Tôi, Xin Hiểu Cho Lính, Hãnh Diện, Từ Chối.v.v…. Tiêu biều nhiều ca khúc viết cho tâm tư những người lính trẻ như Thương Về Quán Trọ: “Lúc này nơi quán trọ, buồn vui có gì không, biên thư kể chuyện nhé. Làm lính oai hùng đó nhưng cũng nhiều gian lao, anh biết rồi tại sao. Đừng hẹn tôi ngày về, vì đường xa thiên lý, đời trai như chiến sĩ Kinh Kha một lần đi. Bạn anh vì nước, vì máu thắm da vàng người Việt Nam…”. Hoặc Đổi Thay: “ Lá xa cành héo sầu từ tuổi xanh, anh bỏ đi rồi buồn lắm anh ơi. Đời người con gái một lần mất người yêu tan cả cuộc đời. Những kỷ niệm hãy còn nằm ở đây sao nỡ quên rồi để đó cho ai. Anh ơi thôi hết rồi nào còn khi đón khi đưa, những làn hẹn hò khi sớm khi trưa, lời thề anh hứa hôm xưa thành khói mây đâu ngờ. Những ân tình đã một thời nở tươi xin trả cho người màu sắc hoa phôi, đường trần tôi đếm từng nhịp bước lẻ loi riêng một mình thôi…”. Riêng bài Đập Vỡ Cây Đàn được rất nhiều thính giả yêu thích với câu chuyện tình của người nhạc sĩ nghèo: “Đập vỡ cây đàn, giận đời đập vỡ cây đàn. Người ơi người ơi, tình ơi tình ơi. Đập vỡ cây đàn, giận đời bạc trắng như vôi, giân người thay đổi quên lời. Giận người con gái yêu đàn. Buồn ơi buồn ơi. Làm sao để vui. Đập vỡ cây đàn, giận đời đổi trắng thay đen, giận người trở như bàn tay. Chuyện ngày qua, tôi gặp người con gái có giọng ca thật buồn. nàng bảo tôi rằng anh đi học đàn để đàn theo lúc em ca, những ngày hoa mộng đời ta. Tôi yêu nàng nên vội vàng lên tỉnh đi tìm theo học đàn. Sau một năm trường tôi trở về quê hương nhưng người con gái ấy đã đi rồi. Tôi hỏi thăm dò từng người trong xóm tin nàng. Nàng đâu, nàng đâu? Nguời báo tin buồn, nàng gặp nhạc sĩ vang danh rồi cùng xây đắp gia đình…”. Ngoài những nỗi niềm, khắc khoải của tình yêu, ông còn nhiều nhạc phẩm viết cho quê hương với những niềm hy vọng sáng tươi cho mùa xuân quê hương được rực rỡ sau những mảnh vụn đổ nát của chiến tranh. Để tình yêu đôi lứa được nở hoa như đồng ruộng quê hương ngày gặt hái. Thanh bình và êm ả lẫn trong những ca khúc ngọt ngào của người nhạc sĩ tràn đầy niềm đam mê yêu mến âm nhạc Việt Nam.

Gần cuối năm 1974-1975, nhạc sĩ Lê Mộng Bảo còn được bổ nhiệm làm phụ tá Thứ Trưởng đặc trách Báo Chí Bộ Thông Tin Dân Vận Chiêu Hồi và cùng hợp tác với ông Ngô Công Minh chăm sóc tờ báo Lẽ Sống, chuẩn bị chương trình công tác xuất ngoại làm việc cho tòa Đại Sứ tại Nhật Bản.

Vì tất cả những hoạt động trên, sau ngày 30 tháng Tư năm 1975, ông và một số các văn nghệ sĩ khác đã bị tập trung trong các trại giam. Sáu năm sau ông mới được thả về với hai bàn tay trắng, trắng cả cuộc đời đổi thay. Nước mất, nhà tan… ông và bao người cùng cảnh ngộ phải sống cuộc đời nổi trôi theo thăng trầm dâu bề, lao đao. Mãi tới cuối năm 1993, ông mới được đặt chân tới bến bờ Tự Do theo diện HO.

Qua Mỹ với tuổi già sức yếu, giòng sáng tác âm nhạc cũng kiệt quệ sau nhiều năm tháng dài đau khổ với hoàn cảnh nghiệt ngã nơi quê nhà, ông sống thu hẹp với cuộc đời lặng lẽ. Nhưng rồi ông cũng tìm lại được chút niềm vui bên cạnh những anh chị em thân hữu trong giới văn nghệ. Ông luôn đến với chúng tôi bằng nụ cười tươi tắn, đôn hậu. Anh chị em văn nghệ sĩ ở Thung Lũng Hoa Vàng này ai ai cũng đều quý mến ông ở tâm lòng chân thật, luôn hướng vế âm nhạc và nghệ thuật một cách thiết tha.

Tôi còn nhớ, trước đây đôi ba năm, tuy ông đã vào lứa tuổi hơn bẩy mươi, mắt mờ, sức khỏe kém, cuộc sống bình dị, không lái được xe, phương tiện di chuyển thường xuyên là đi bộ hoặc xe Bus nhưng bất cứ buổi sinh hoạt nào hay của bất cứ ai, ông cũng đều có mặt như một bầy tỏ tấm lòng thân cận với mọi người, anh chị em trong giới văn nghệ sĩ, và cũng thường yểm trợ mua sách bằng đồng tiền già ít ỏi của anh. Ông nói để cho mọi người cùng vui là anh Bảo vui rồi. Ông thường xưng hô và gọi chúng tôi như thế nên tất cả đều xem anh như một ông anh cả đáng kính.

Và tôi cũng được dịp chứng kiến sự vui mừng của nhạc sĩ Lê Mộng Bảo đã hạnh phúc biết bao khi được thành phố Milpitas & nhóm Vietnamese Folk, Arts Institude tổ chức vinh danh ông trong buổi Commermorative Diner. Ban Tổ Chức và hội đồng thành phố Milpitas đã trao tặng nhiều bằng khen cho người nhạc sĩ đã có hơn năm mươi năm góp mặt và cống hiến nhiều tác phẩm cho nền âm nhạc Việt Nam. Tôi và các anh chị em tham dự hôm ấy đều cảm thấy hãnh diện và xúc động lây. Với tất cả sự trân trọng và quý mến, tôi kính tặng anh bốn câu thơ mà hôm đó cũng đã được cô Hằng Nguyễn (nhóm Art Institud) diễn dịch qua Anh ngữ để quan khách ngoại quốc hiện diện hiểu được phần nào sự tôn vinh của chúng tôi dành cho người nhạc sĩ tài hoa đã để hết một đời sống phục vụ cho lý tưởng, văn hóa, âm nhạc Việt Nam:
người nhạc sĩ
đã để một đời nghe nhịp tim
làm bao nhạc khúc thật êm đềm
cho người vui hát hồn tươi trẻ
đẹp mãi tình ca, nhớ-chẳng-quên!

Thế mà, ông đã ra đi thật rồi, dù biết rằng ông đã hơn tám mươi, nhưng sao vẫn nghe lòng nặng nỗi buồn thương tiếc, nhất là sự thương cảm cho những năm tháng cuối đời của ông, khiêm tốn và lặng lẽ quá so với cuộc sống, tài năng, hoạt động và những công lao đóng góp của ông cho âm nhạc nghệ thuật và đời sống xã hội trước đây.

Những chiếc lá đầu mùa thu đã bắt đầu thay sắc. Người nhạc sĩ ấy tuy đã lìa đời nhưng vẫn để lại cho chúng ta biết bao nhạc phẩm êm đềm và quý giá. Xin được tiễn biệt anh bằng những chiếc lá mùa thu đẹp đẽ nhất để nụ cươi hiền hậu của anh luôn lóng lánh trong lòng của tất cả mọi người được thắm thiết cùng anh!



Ngọc Thủy


Mục Lục | Liên Lạc

 


Free Web Template Provided by A Free Web Template.com